Chào Luật sư! tôi có một số vấn đề cần hỏi luật sư như sau:

Vợ chồng anh A mới mua được 1 chiếc xe ô tô trị giá 600.000.000 đồng. Vào 5/2018, anh B có ý thuê xe của vợ chồng A đi du lịch, vì quen biết không thân thiết với B nên vợ chồng A yêu cầu B phải đưa vật gì làm tin, cụ thể B đã dùng chiếc nhẫn kim cương trị giá 1.000.000.000 đồng làm tin. Hai bên viết hợp đồng thuê xe kèm theo biện pháp ký cược chiếc nhẫn và hai bên thỏa thuận sau khi B trả xe và trả tiền thuê xe 2.000.000 đồng thì vợ chồng A sẽ trả lại chiếc nhẫn kim cương như đã nói trên. Vợ chồng A đưa xe, B đưa nhẫn kim cương. Nhưng đến ngày B đi du lịch về và sang nhà A để trả xe (xe vẫn còn nguyên vẹn) thì không có vợ chồng A ở nhà, anh B có gọi cho vợ chồng A mà không ai nghe máy. Mấy hôm sau B cứ chủ động gọi vợ chồng A để trả xe đồng thời lấy lại chiếc nhưng không được, được biết vợ chồng A cố ý tránh mặt. Vài ngày sau đó, anh B phát hiện vợ chồng A đã bán chiếc nhẫn của B cho người khác và ngỏ ý muốn sang tên chiếc xe ô tô cho B nhưng không chịu hoàn lại số tiền chênh lệch. Anh B không chấp nhận vì giá trị của chiếc nhẫn lại lớn hơn chiếc ô tô của vợ chồng A nên B yêu cầu được trả lại xe và nhận lại chiếc nhẫn kim cương. Nhưng vợ chồng A không chịu trả lại cho B. Trong trường hợp này, vợ chồng A có vi phạm pháp luật không và cách giải quyết như thế nào để cả hai không phải dính đến pháp luật?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Văn phòng Luật Sư Gia Đình của chúng tôi.

Với câu hỏi của bạn thì chúng tôi trả lời như sau:

Theo Điều 329 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.”

Vì vậy, việc vợ chồng A và anh B làm hợp đồng thuê xe kèm theo biện pháp ký cược chiếc nhẫn kim cương là hoàn toàn hợp lý. Khi kết thúc hợp đồng thuê xe thì vợ chồng A phải có nghĩa vụ trả lại tài sản ký cược là chiếc nhẫn kim cương cho anh B và ngược lại anh B phải trả xe đã thuê còn nguyên vẹn , không hư hỏng, không trầy xướt…. và tiền thuê xe cho vợ chồng A.

Nhưng trong trường hợp này, anh B đã trả lại xe còn nguyên vẹn cho vợ chồng A, nhưng vợ chồng A lại lấy chiếc nhẫn ký cược của B đi bán mà không có sự đồng ý của B thì vợ chồng A đang có hành vi vi phạm pháp luật áp dụng tại khoản 2 Điều 32 NĐ 165/2006 về nghĩa vụ của bên ký cược như sau: “Không được xác lập giao dịch đối với tài sản đặt cọc, tài sản ký cược, trừ trường hợp bên đặt cọc, bên ký cược đồng ý”.

Cũng theo quy định tại Điều 33 NĐ 165/2006 về quyền của bên nhận ký cược thì: “Bên nhận ký cược có quyền sở hữu tài sản ký cược trong trường hợp tài sản thuê không còn để trả lại cho bên nhận ký cược, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

Chính vì vậy, vợ chồng A chỉ được bán chiếc nhẫn khi anh B không trả lại xe hoặc xe mà anh B thuê bị hư hỏng, tổn thất  nặng nề, không còn nguyên vẹn hoặc không còn xe để mà trả lại.

Trong trường hợp này, hành vi của vợ chồng A là vi phạm pháp luật về quyền và nghĩa vụ của bên nhận ký cược trong hợp đồng thuê xe có sử dụng biện pháp ký cược.

Để giải quyết vấn đề này:

- Một là, vợ chồng A phải chuộc lại chiếc nhẫn mà đã bán cho người khác để trả lại cho B.

- Hai là, vợ chồng A phải sang tên chiếc xe ô tô lại cho B đồng thời trả thêm phần tiền chênh lệch giữa chiếc xe và chiếc nhẫn kim cương của anh B là 400.000.000 đồng.

Trên đây là một số nội dung tư vấn liên quan đến việc "Vi phạm Hợp đồng thuê tài sản". Nếu bạn đang cần luật sư tư vẫn, hỗ trợ về mặt pháp lý thì hãy liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: Văn phòng luật sư Gia Đình - 5/1, Kp. 4, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hoặc qua số điện thoại: 0971 645 789 (zalo) - 0911 629 679.

Trân trọng./.

Hỏi đáp khác