Hỏi: Tôi là H muốn hỏi Luật sư một vấn đề như sau: Tôi có quen anh Mad là người nước ngoài, khi anh sang Việt Nam để mở rộng thị trường kinh doanh, ở đây tôi và anh Mad chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng kí kết hôn sau đó chúng tôi có một đứa con chung là bé gái Y nay đã được 1 tuổi (tôi có quốc tịch Việt Nam). Trong một lần đi công tác do máy bay gặp sự cố nên anh Mad đã qua đời tại Việt Nam. Tôi được biết anh Mad có hai (02) quốc tịch Canada và quốc tịch Việt Nam, đã có vợ và có một bé trai (4 tuổi) hiện đang sinh sống ở Canada. Ngoài ra tôi còn được biết anh Mad để lại số tài sản bao gồm: Một căn hộ cao cấp, một xe hơi lamboghini và một số tài sản là động sản có giá trị ở Việt Nam; 4 căn nhà ở Canada trong đó có một căn hiện vợ và con trai anh Mad đang sinh sống. Do chết đột ngột nên anh Mad không để lại di chúc. Vì hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn không đủ điều kiện để nuôi cháu Y ăn học nên tôi muốn hỏi luật sư là trong trường hợp như vậy, tôi và con gái của mình có quyền thừa kế đối với tài sản của của anh Mad hay không?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã có câu hỏi đến Văn phòng Luật sư Gia Đình của chúng tôi.

Với câu hỏi của bạn luật sư chúng tôi trả lời như sau:

Theo như thông tin chị trình bày thì anh Mad có quốc tịch nước ngoài và cả quốc tịch Việt Nam vì vậy Tòa án cả 2 nước mà anh Mad có quốc tịch đều có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề dân sự liên quan đến việc chia di sản thừa kế của anh Mad.

Anh Mad chết tại Việt Nam vì vậy căn cứ vào Đều 680 BLDS 2015:

“1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.

2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.”

Như vậy, thừa kế được xác định theo pháp luật của nước Việt Nam. Đồng thời di sản của anh Mad có bất động sản (căn hộ cao cấp) ở Việt Nam theo quy định của pháp luật tài sản là bất động sản thì áp dụng pháp luật của nước nơi có bất động sản để chia thừa kế.

Theo quy định điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì hành vi sau đây sẽ bị cấm: "Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ". Có nghĩa là việc chung sống của chị và anh Mad là trái pháp luật. Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì: “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng”. Do anh chị không đăng ký kết hôn nên chị không được pháp luật công nhận là vợ của anh Mad, như vậy chị không được hưởng thừa kế theo pháp luật (vì anh Mad chết đột ngột không có di chúc theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 650 BLDS 2015 nên chia di sản theo pháp luật).

Nhưng theo quy định Khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: "Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan". Ở đây được hiểu là con riêng sinh ra trong trường hợp này vẫn có quyền và nghĩa vụ như những đứa con khác sinh ra từ mối quan hệ hôn nhân hợp pháp. Vì vậy, bé Y - con  riêng của chị và anh Mad vẫn được hưởng di sản thừa kế của anh Mad theo hàng thừa kế thứ nhất căn cứ vào điểm a Khoản 1 Điều 651 BLDS 2015 thì: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.”

Trên đây là một số nội dung tư vấn liên quan đến việc "phân chia thừa kế". Nếu bạn đang cần luật sư tư vẫn, hỗ trợ về mặt pháp lý thì hãy liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: Văn phòng luật sư Gia Đình - 5/1, Kp. 4, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hoặc qua số điện thoại: 0971 645 789 (zalo) - 0911 629 679.

Trân trọng./.

Hỏi đáp khác