Hỏi: 

Thưa Luật sư tôi làm công nhân, chồng tôi cũng làm công nhân cả 2 vợ chồng đều có công việc ổn định. Con trai tôi hiện nay đã hơn 3 tuổi, liệu ra tòa ly hôn tôi có được quyền nuôi con không? Tôi cũng xin nói thêm lúc trước tôi ly thân chồng 8 tháng tôi đã không mang con theo vì gia đình chồng không cho. Tôi về thăm con thì bị chồng đánh tôi đã không về trong gần 2 tháng. Xin hỏi luật sư việc chồng tôi đánh đập tôi không cho tôi thăm nom con là đúng hay sai? Tôi phải làm sao?

Mong luật sư tư vấn giúp. Tôi xin cám ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Văn phòng Luật sư Gia Đình, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì:

- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Về nguyên tắc việc ai là người nuôi con sau khi ly hôn có thể được các bên đương sự (vợ, chồng) tự thỏa thuận với nhau và được tòa án ghi nhận trong bản án, Quyết định. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con khi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Đối với trường hợp của chị, do con chị đã hơn 3 tuổi nếu vợ chồng không thỏa thuận được với nhau ai là người trực tiếp nuôi con thì Tòa sẽ căn cứ vào tình điều kiện nuôi con của Vợ - Chông, lúc này ai có điều kiện nuôi con tốt hơn Tòa sẽ giao cho người đó.

Về điều kiện nuôi con Tòa sẽ căn cư vào: điều kiện học tập, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục… người nào có điều kiện tốt hơn về tài sản, thu nhập, công việc…   thì Tòa án sẽ ưu tiên giao con cho người đó. Tuy nhiên, người mẹ (vợ) lại thường có lợi thế hơn về mặt tình cảm, đạo đức, phương pháp nuôi dạy con cái. Vậy, nếu như chị chứng minh được chồng chị có những “thói hư tật xấu” như ham vui rượu bia, vũ phu đối với con hoặc không đôn đốc chuyện học hành của con cái… để có ưu thế về giành quyền nuôi con. Việc chị có được nuôi con hay không thì tùy thuộc vào phán quyết của Tòa án.

Thứ hai, về quyền thăm nom, chăm sóc con cái.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.

Mặt khác, tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ:

- Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

- Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

- Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”

Đồng thời, tại Khoản 1, Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định“Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Như vậy, khi bạn và chồng vẫn đang tồn tại quan hệ vợ chồng thì chồng bạn không được quyền ngăn cản bạn trong việc tham nom, chăm sóc con cho dù bạn đã ra ngoài sống ly thân với chồng.

Trên đây là nội dung tư vấn của VĂN PHÒNG LUẬT SƯ GIA ĐÌNH.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0971 645 789 – 0911 629 679 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Luật Sư: Hồ Văn Ngọc - Văn Phòng Luật Sư Gia Đình.

Hỏi đáp khác