Ủy ban thua kiện vì lấy đất không bồi thường
Hai cấp tòa cho rằng gần 900 m2 đất của người dân thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên nếu thu hồi thì UBND quận phải bồi thường.
TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ chị em bà Lê Thị Mến kiện UBND quận và chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện tuyên hủy hai quyết định (QĐ) hành chính của người bị khởi kiện vì thu hồi và cưỡng chế tháo dỡ công trình trên đất mà không bồi thường giá trị đất.
Sử dụng ổn định hơn 50 năm
Phía bà Mến trình bày: Nguồn gốc quyền sử dụng đất gần 900 m2 tại số 218/4A Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều do cha mẹ canh tác ổn định hơn 50 năm. Cha mẹ bà đã mất và có bốn người con. Nhiều năm qua gia đình bà sinh sống ổn định liên tục, không có tranh chấp và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Theo quy định, gia đình bà đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là giấy chứng nhận). Tuy nhiên, khi làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận thì UBND quận Ninh Kiều không đồng ý, cho rằng đất này do Nhà nước quản lý.
Tháng 11-2018, gia đình bà nhận được QĐ 2472 của UBND quận Ninh Kiều về việc phê duyệt phương án bồi thường công trình xây dựng Nhà văn hóa phường An Nghiệp. Gia đình bà được bồi thường hơn 616 triệu đồng nhưng không có tiền bồi thường quyền sử dụng đất và chỉ tái định cư tại chỗ 150 m2.
Bà Lê Thị Mến và mảnh đất gần 900 m2 của gia đình. Ảnh: NHẪN NAM
Một tháng sau gia đình bà nhận được QĐ 7716 của chủ tịch UBND quận về việc cưỡng chế tháo dỡ nhà, công trình, vật kiến trúc xây dựng trên đất do Nhà nước quản lý. Từ đó chị em bà Mến khởi kiện, yêu cầu TAND TP Cần Thơ hủy hai QĐ trên và áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc dừng thi hành QĐ 7716 và tòa đồng ý.
Người bị kiện có văn bản trình bày: Phần đất trên có nguồn gốc là của một gia đình khác, sử dụng là đất thổ mộ rồi cho cha của bà Mến ở nhờ. Năm 1981, gia đình cho mượn xuất cảnh sang Mỹ nên UBND TP Cần Thơ (cũ) ban hành QĐ về việc quản lý toàn bộ tài sản của gia đình đã đi Mỹ và giao cho UBND phường quản lý.
Tiếp đó UBND quận ban hành QĐ 2472 nhưng do hộ bà Mến không nhận tiền và không giao mặt bằng nên chủ tịch UBND quận ban hành tiếp QĐ 7716.
Về yêu cầu cấp sổ đỏ, ngày 3-7-2015, UBND TP Cần Thơ có công văn cho phép hộ bà Mến đăng ký cấp giấy chứng nhận trong hạn mức đất ở theo quy định nhưng hộ không đồng ý mà yêu cầu được cấp toàn bộ diện tích.
Tòa: Không phải đất lấn chiếm
Xử sơ thẩm vào năm 2019, TAND TP Cần Thơ tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, hủy toàn bộ cả hai QĐ bị kiện. Sau đó, người bị kiện là UBND quận Ninh Kiều kháng cáo. Tại tòa phúc thẩm, luật sư của người bị kiện yêu cầu tòa sửa án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
HĐXX nhận định cha bà Mến ở nhờ từ trước khi có Hiến pháp 1980. Năm 1981, gia đình cho mượn đất xuất cảnh sang Mỹ. Mặc dù UBND TP Cần Thơ (cũ) có QĐ quản lý toàn bộ tài sản của gia đình cho mượn nhưng không xử lý, giải quyết đối với việc gia đình bà Mến đang ở nhờ.
Sau đó, cơ quan chức năng cũng không thu hồi diện tích đất tại số 218/4A để giao cho UBND phường quản lý. Đất này do gia đình tiếp tục quản lý sử dụng, xây nhà sinh sống ổn định mà không có tranh chấp.
Như vậy người khởi kiện đã quản lý, sử dụng đất trước khi có Hiến pháp 1980 và trước khi UBND TP Cần Thơ (cũ) có QĐ quản lý, nên không thuộc trường hợp lấn chiếm sử dụng đất do Nhà nước quản lý.
Theo tòa, năm 2015 UBND TP Cần Thơ có văn bản thống nhất cho bà Mến và một người em được đăng ký cấp giấy chứng nhận trong hạn mức. Tuy nhiên, đây không phải là QĐ hành chính, văn bản này cũng không được gửi cho gia đình bà Mến. Hơn nữa UBND quận cũng không triển khai thực hiện văn bản này.
Khi UBND quận thực hiện dự án thì toàn bộ diện tích đất do bốn chị em bà Mến sử dụng, không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật đất đai nên thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận. Do đó diện tích đất này thuộc trường hợp được bồi thường khi Nhà nước thu hồi. QĐ 2472 của UBND quận không có khoản tiền bồi thường về đất là chưa đủ căn cứ, không đúng quy định.
Tòa phúc thẩm cũng cho rằng đất của gia đình bà Mến đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận và thuộc trường hợp được bồi thường nhưng UBND quận không bồi thường. Sau đó chủ tịch UBND quận lại ban hành QĐ 7716 để cưỡng chế tháo dỡ nhà, công trình với lý do đất do Nhà nước quản lý là không có căn cứ.
Việc tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị em bà Mến là có căn cứ và đúng pháp luật. Từ đó HĐXX bác kháng cáo của UBND quận, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Mong muốn được cấp giấy chứng nhận Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau phiên tòa phúc thẩm, bà Mến cho biết phần đất này là do cha mẹ và cả gia đình bà tôn tạo mới được như ngày nay. Việc hai cấp tòa tuyên án như trên là rất phù hợp với pháp luật và quyền lợi chính đáng của người dân. Sau bản án này, bà mong phía UBND quận giải quyết mong đợi mấy chục năm nay của gia đình. “Cha mẹ chúng tôi đã mất rồi, hy vọng UBND quận sớm cấp giấy chứng nhận theo quy định để các chị em tôi ổn định cuộc sống” - bà Mến nói. |
Nguồn: Báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh
Tin tức khác
- Nhiều lao động ngỡ ngàng vì... không được hỗ trợ thất nghiệp 1588
- Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền qua app 1543
- Vụ phó Bộ Công thương kiện báo Pháp luật Việt Nam thông tin sai sự thật 1989
- Phạt tù án 2 chị em bắt con, cháu đi ăn xin 1558
- Lời khai 'nhận túi quà từ người bạn gái Campuchia' và án tử 1508
- Rắc rối vụ bị cáo và bị hại cùng gây thương tích một lúc 788
- Từ mê game thành 'siêu trộm' 777
Tin tức
Hỗ trợ trực tuyến
-
Hotline
-
LS Hoàng Ngọc
Video
Tin tức nổi bật
- Nhiều lao động ngỡ ngàng vì... không được hỗ trợ thất nghiệp
- Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền qua app
- Vụ phó Bộ Công thương kiện báo Pháp luật Việt Nam thông tin sai sự thật
- Phạt tù án 2 chị em bắt con, cháu đi ăn xin
- Lời khai 'nhận túi quà từ người bạn gái Campuchia' và án tử
- Rắc rối vụ bị cáo và bị hại cùng gây thương tích một lúc
- Từ mê game thành 'siêu trộm'