Tòa phúc thẩm có quyền triệu tập HĐXX sơ thẩm không?

HĐXX phúc thẩm triệu tập HĐXX sơ thẩm" là hiếm và được cho là thể hiện tinh thần cải cách tư pháp, song cũng có ý kiến cho là vi phạm tố tụng.

HĐXX phúc thẩm thuộc TAND Cấp cao tại TP HCM hôm 10/8 tạm hoãn phiên xem xét đơn kêu oan của bị cáo Trần Hữu Kiển (cựu luật sư Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để triệu tập HĐXX cấp cơ thẩm gồm chủ tọa, thư ký, kiểm sát viên và các điều tra viên liên quan đến vụ án nhằm làm rõ một số nội dung.

Nêu quan điểm về động thái này, một thẩm phán (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) cho rằng, quyết định của HĐXX phúc thẩm là hiếm và mới, phù hợp với quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015: Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, HĐXX có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.

Việc triệu tập người tiến hành tố tụng đến phiên tòa để làm rõ tính khách quan của vụ án nhưng họ không phải là chủ thể của việc xét hỏi tại tòa. Điều 317 BLTTHS quy định: Khi xét thấy cần thiết, HĐXX tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Ông dẫn chứng, trong phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, để làm rõ sự thật khách quan và các vấn đề liên quan, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã triệu tập các điều tra viên, thẩm phán tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm. "Những quy định này cần thiết được áp dụng để thể hiện tinh thần cải cách tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án", thẩm phán nói.

Bị cáo Trần Hữu Kiển tự bào chữa cho mình trong phiên tòa năm 2018. Ảnh: Hoàng Nam.

Bị cáo Trần Hữu Kiển tự bào chữa cho mình trong phiên tòa năm 2018. Ảnh: Hoàng Nam.

Tuy nhiên, một số chuyên gia pháp lý lại cho rằng quyết định "triệu tập HĐXX sơ thẩm" là không có căn cứ và vi phạm nguyên tắc xét xử độc lập của toà án và độc lập giữa các cấp xét xử.

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP HCM), đây là nguyên tắc đặc thù trong hoạt động của tòa án nói chung và hoạt động xét xử của các cấp tòa án nói riêng, được quy định tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp 2013; Điều 9 Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Điều 23 BLTTHS 2015.

Tòa án với vai trò của một cơ quan tư pháp, mang sứ mệnh "cầm cân nảy mực", bảo vệ công lý, quyền con người nên sự độc lập trong xét xử là điều kiện tiên quyết nhằm hướng đến việc đưa ra phán quyết, bản án khách quan, công bằng, vô tư.

"Quy định này là một trong những nguyên tắc giữ vai trò chi phối xuyên suốt trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hình sự, yêu cầu mọi chủ thể tham gia tố tụng và tiến hành tố tụng phải tôn trọng, chấp hành", luật sư Đan Mạch nói.

Trong vụ án Trần Hữu Kiển, bị cáo có quyền đề nghị HĐXX nhiều vấn đề nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, tòa án, cơ quan tiến hành tố tụng phải đánh giá tính đúng sai, hợp pháp hay không, chứ không thể đưa ra những quyết định vượt khỏi những nguyên tắc, quy định mà pháp luật đã định.

HĐXX và các thành viên trong HĐXX có địa vị pháp lý là cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng. Do vậy, nếu để đối chất với đương sự hay trình bày trước tòa án cấp phúc thẩm để làm rõ vụ án thì khó đảm bảo tính khách quan. Hơn nữa, mục đích của xét xử phúc thẩm là nhằm sửa chữa, khắc phục những sai lầm của toà án cấp sơ thẩm, qua đó còn phục vụ cho công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng xét xử của toà án cấp sơ thẩm, rút kinh nghiệm, đưa ra những sai lầm trong công tác xét xử.

Luật sư Đan Mạch cho rằng, Điều 296 và Điều 317 BLTTHS 2015 quy định trong trường hợp cần thiết HĐXX có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý giải quyết vụ án. Nhưng điều luật này thuộc mục III Chương XXI của BLTTHS - tức là chỉ được áp dụng trong phiên tòa sơ thẩm.

Ngoài ra, Điều 352 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định việc hoãn phiên tòa ở cấp phúc thẩm không có trường hợp nào đưa ra yêu cầu bắt buộc ở phiên phúc thẩm phải có mặt của những người tiến hành tố tụng đã tham gia thụ lý vụ án ở cấp sơ thẩm, hay nếu không có sự tham gia của những chủ thể này thì phải hoãn phiên tòa.

Nguồn: Báo VN Express

Tin tức khác