Bẫy lừa tuyển lao động nhan nhản trên mạng
Bẫy lừa tuyển lao động nhan nhản trên mạng
Truy cập vào các trang Co.op Food tuyển dụng, Mini Stop tuyển dụng, Lotte Cinema tuyển dụng... đều dẫn đến một địa chỉ phỏng vấn.
Với những lời quảng cáo có cánh về việc làm, thời gian, mức lương…, bẫy tuyển dụng giăng khắp trên mạng xã hội, thậm chí có chạy cả quảng cáo khiến không ít sinh viên, người vừa tốt nghiệp bị mất tiền cho các trung tâm giới thiệu việc làm.
Tung chiêu tuyển dụng mùa COVID
Mới đây, nhiều sinh viên ở TP.HCM vào các trang Co.op Food tuyển dụng, Mini Stop tuyển tụng, Lotte Cinema tuyển tụng, Family Mart tuyển dụng… trên mạng và họ tham gia dự tuyển, kiếm việc làm thêm.
Khi truy cập, liên lạc các đầu mối theo hướng dẫn thì các trang trên đều dẫn đến cùng một địa chỉ phỏng vấn là 89A đường số 12, phường Tam Bình, quận Thủ Đức.
Có mặt tại căn nhà trên vào ngày 10-9, chúng tôi thấy bên ngoài căn nhà gắn tấm bảng nhựa màu xanh chừng hai gang tay ghi dòng chữ trắng “Công ty TNHH DV An ninh Việt An” kèm mã số thuế. Lúc này có hàng chục “ứng viên”, chủ yếu là sinh viên đã có mặt. Họ chờ đến lượt được phỏng vấn với một hy vọng về cơ hội việc làm ở các rạp chiếu phim, cửa hàng tiện lợi hay siêu thị như thông tin trên các trang mạng mà họ đã đọc.
Ở khu vực sảnh, có sáu nhân viên công ty mặc đồng phục ngồi ở các bàn làm việc để ghi thông tin của người đi xin việc.
Khi chúng tôi vào trong, một người đàn ông thu thập các thông tin gồm tên, tuổi, nơi làm việc, khu vực muốn làm việc và số điện thoại để được phỏng vấn.
Sau khi hoàn tất khai báo, chúng tôi vào một căn phòng trên lầu theo hướng dẫn để được phỏng vấn. Tại đây, thay vì phỏng vấn, hai nhân viên nói như rập khuôn về mức lương cao, phía đơn vị tuyển dụng còn hỗ trợ tiền xăng xe, tiền chuyên cần.
Trong ngày 11-9, khá đông các bạn sinh viên đến trụ sở công ty đòi lại tiền. Ảnh: TÂN - YÊN
Bên trong căn nhà, các nhân viên phỏng vấn, thu tiền người đi xin việc.
Đóng tiền chóng vánh
Sau khi giảng giải, nữ nhân viên cho hay công ty sẽ cho mượn hai bộ đồng phục để làm việc và chúng tôi phải đóng 600.000 đồng thế chân để đề phòng nghỉ việc mà không trả đồng phục.
“Sau khi kết thúc một tháng đầu, công ty sẽ hoàn lại số tiền đã đóng. Trường hợp đi làm ba ngày đầu, thấy công việc không phù hợp, nộp đơn xin nghỉ và hoàn trả đồng phục thì công ty sẽ trả lại tiền” - người này nói.
Hết cuộc phỏng vấn, chúng tôi được hướng dẫn sang phòng bên cạnh để được sắp xếp công việc. Tại đây có hơn chục người, chủ yếu là sinh viên, chờ được đóng tiền và nhận lịch đi làm.
Đến lượt, trước khi đóng tiền, chúng tôi có nêu vài băn khoăn thì người nhận tiền nói: “Sang bàn bên cạnh” và người đàn ông được cho là “phụ trách điều động” đưa cho chúng tôi tờ giấy với nội dung “giấy thỏa thuận và cam kết chung”.
Khi chúng tôi định hỏi thêm thì người này làu làu những lời y như từ đầu mà các nhân viên khác đã nói.
Trong khi đó, nội dung tờ giấy cam kết hoàn toàn không nhắc đến đại diện các bên ký cam kết, không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến người trực tiếp ký hợp đồng tuyển dụng. Sau đó, người này yêu cầu chúng tôi ký vào tờ giấy và chúng tôi tiếp tục bị thu thêm 300.000 đồng mà như giải thích là “chi phí làm thẻ chấm công và 100.000 đồng để làm thẻ ngân hàng”.
Sau khi đóng 900.000 đồng, chúng tôi nhận một phong bì có thông tin của người liên hệ để nhận việc kèm ngày, giờ nhận việc. “Mình sẽ nhận việc vào ngày 21-9, lúc 14 giờ 35. Trước 30 phút, bạn liên hệ anh Lộc theo số điện thoại 092853922... để nhận việc và nhận đồng phục tại chi nhánh làm việc” - nam nhân viên này hướng dẫn.
Nam nhân viên trong công ty ra dọa đánh, yêu cầu xóa hình ảnh.
Hai công an phường Tam Bình có mặt, sau đó các sinh viên được trả lại tiền.
Nhưng việc làm không có
Theo tìm hiểu, rất nhiều người đóng tiền như chúng tôi, tuy nhiên sau khi liên hệ theo số điện thoại mà Công ty TNHH DV An ninh Việt An hướng dẫn để nhận việc thì những người mà chúng tôi tiếp xúc không ai được nhận vào làm.
Chị Trần Phạm Anh Trâm (thị xã Thuận An, Bình Dương) cho hay đi phỏng vấn, nộp tiền cho công ty sau khi đọc thông tin tuyển dụng trên trang Facebook “Co.op Food - tuyển dụng”.
Sau khi đóng tiền, chị hy vọng đến ngày 4-9 sẽ được đi làm tại Lotte ở Dĩ An (Bình Dương) như hứa hẹn. “Tôi gọi điện thoại cho người tên Quân như trong giấy hẹn thì người này phủ nhận trách nhiệm hướng dẫn công việc. Anh ta đưa cho tôi ba số điện thoại của những người tên Hoa, Thu và Thảo, bảo tôi gọi điện thoại để được hướng dẫn” - chị nói.
Chị đã liên lạc với các số nhưng lúc thì không liên lạc được, lúc thì máy bận, lúc thì có người nhấc máy nhưng lại nói là giờ không có công việc, không sắp xếp công việc được.
Tương tự, Phan Tấn Đạt (18 tuổi), sinh viên năm nhất Trường CĐ Kỹ thuật Đồng Nai (TP Biên Hòa, Đồng Nai), cũng rơi vào hoàn cảnh y như chị Trâm và Đạt phải đóng 1,2 triệu đồng với hy vọng được làm tại rạp phim CGV tại Siêu thị Big C Đồng Nai.
Đạt cũng gọi điện thoại cho người tên Quân nhưng người này bảo là chưa có việc. Đến ngày 11-9, Đạt gọi lại như lịch hẹn thì không nghe máy. Đạt gọi vào số đầu tiên mà mình xin việc, báo là CGV không tuyển người và cự cãi. Người này liền bảo: “Mày ngu nên bị bố mày lừa”.
Trả lại tiền mà không có lời giải thích
Trong hai ngày 10 và 11-9, có mặt trước trụ sở tuyển dụng này, phóng viên ghi nhận hàng chục người cũng vào hoàn cảnh như của Đạt và chị Trâm.
Ngày 11-9, có cả chục sinh viên quay lại để đòi tiền. Một người trong công ty ra thu giữ hết số giấy tờ, hóa đơn mà phía công ty đã đưa cho các “ứng viên”. Sau đó, người của công ty báo cho chúng tôi là muốn nhận lại tiền phải chịu mất 75% số tiền đã đóng. Sau 60 ngày thì đến công ty nhận nốt số còn lại.
Có sinh viên được trả lại 75% số tiền đã đóng và viết cam kết không khiếu nại, 25% số tiền còn lại là “bồi thường cho công ty”.
Khi chúng tôi ra đường ghi hình điểm tuyển dụng này thì bị bảo vệ, nhân viên công ty yêu cầu xóa hình, dọa đánh kèm những lời chửi tục.
Khi có người gọi điện thoại báo cho công an phường về dấu hiệu lừa đảo của công ty thì một người đàn ông tự xưng tên là Đông xuất hiện, yêu cầu tất cả ai muốn được trả lại tiền nhưng chưa được giải quyết thì vào bên trong.
Sau đó, người tên Đông yêu cầu hoàn trả tiền cho những ai có mặt và nhân viên công ty đã thực hiện việc hoàn trả đủ 100% tiền cho những người đã đóng kèm bản cam kết không thắc mắc, khiếu nại gì.
Việc trả lại tiền cho các sinh viên chỉ xảy ra sau khi công an và ông Đông có mặt.
Trả lại tiền khi công an xuất hiện
Về trường hợp của chị Trần Phạm Anh Trâm (thị xã Thuận An, Bình Dương), sau khi đóng tiền mà không được Lotte Cinema Bình Dương nhận vào làm, chị đã đi đòi lại tiền nhưng không được.
Sáng 11-9, chị đến Công an phường Tam Bình (cách trụ sở công ty chừng 400 m) trình báo. Tại đây, công an hướng dẫn chị cầm hợp đồng quay lại trụ sở công ty để được giải quyết.
Chị Trâm cho biết theo lịch hẹn sẽ đi nhận việc ở Lotte Cinema Bình Dương ngày 4-9. Tuy nhiên, gọi điện thoại hoài không được nên đến công ty đòi lại tiền.
Chị quay lại thì công ty đưa cho tờ giấy hẹn là hoàn trả tiền sau 45 ngày.
Đến đầu giờ chiều thì rất nhiều sinh viên đến đòi lại tiền, xảy ra to tiếng nên một số người đã gọi điện thoại báo cho Công an phường Tam Bình.
Ông Đông có mặt ở trụ sở Công an phường Tam Bình, hướng dẫn các nạn nhân không trình báo nữa...
Sau đó hai công an phường Tam Bình có mặt, hỏi chúng tôi: “Thế lúc xin việc, em có biết người ta hẹn không? Sao em đi xin việc mà em không hỏi gì cả?”. Sau đó, người này yêu cầu chúng tôi đến phường trình báo để được giải quyết. “Người ta vẫn giải quyết trả lại tiền mà. Còn không em cứ lên phường trình báo, gặp anh. Người ta không trả lại tiền mới đủ căn cứ xử lý” - cán bộ công an tên Hiếu nói.
Cũng trong chiều 11-9, Phan Tấn Đạt và một sinh viên đến Công an phường Tam Bình trình báo. Ngay khi nghe nạn nhân báo bị lừa tiền xin việc, cán bộ công an hỏi ngay: “Ở 89A đúng không?”. Sau khi xem các giấy tờ của người trình báo, một công an yêu cầu Đạt và người đi cùng ra ngoài ngồi chờ.
Chừng 20 phút sau thì ông Đông xuất hiện ở trụ sở Công an phường Tam Bình. Vừa thấy chúng tôi, dường như đã biết hết mọi việc, ông cầm lấy số giấy tờ đang để trên bàn rồi nói: “Em nhận lại tiền chưa, chưa thì lấy số điện thoại của anh. 0978776789, anh tên Đông. Cầm giấy về đó rồi đưa điện thoại anh nói chuyện cho rồi lấy tiền”.
Khi quay lại trụ sở công ty, ông Đông đã đứng sẵn ở cổng để chờ đợi. Sau đó, các nạn nhân được ông Đông đưa vào bên trong và nhận lại 100% tiền.
Nguồn: Báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh.
Tin tức khác
- Nhiều lao động ngỡ ngàng vì... không được hỗ trợ thất nghiệp 1585
- Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền qua app 1540
- Vụ phó Bộ Công thương kiện báo Pháp luật Việt Nam thông tin sai sự thật 1986
- Phạt tù án 2 chị em bắt con, cháu đi ăn xin 1555
- Lời khai 'nhận túi quà từ người bạn gái Campuchia' và án tử 1507
- Rắc rối vụ bị cáo và bị hại cùng gây thương tích một lúc 786
- Từ mê game thành 'siêu trộm' 775
Tin tức
Hỗ trợ trực tuyến
-
Hotline
-
LS Hoàng Ngọc
Video
Tin tức nổi bật
- Nhiều lao động ngỡ ngàng vì... không được hỗ trợ thất nghiệp
- Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền qua app
- Vụ phó Bộ Công thương kiện báo Pháp luật Việt Nam thông tin sai sự thật
- Phạt tù án 2 chị em bắt con, cháu đi ăn xin
- Lời khai 'nhận túi quà từ người bạn gái Campuchia' và án tử
- Rắc rối vụ bị cáo và bị hại cùng gây thương tích một lúc
- Từ mê game thành 'siêu trộm'