Thừa kế thế vị là gì?

Thừa kế thế vị được hiểu là người thừa kế thay thế hợp pháp trong trường hợp người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật chết. Ví dụ: Ông/bà chết để lại tài sản cho cha/mẹ, nhưng cha/mẹ chết thì phần tài sản cha/mẹ được hưởng đó sẽ được chia cho con cái. Trường hợp con cũng qua đời thì người thừa kế sẽ là cháu, cháu chết thì chắt sẽ là người thừa kế.

1. Quy định về thừa kế thế vị.

Thừa kế thế vị là một trường hợp thừa kế đặc biệt chỉ xảy ra khi đủ những điều kiện được quy định tại điều 652 BLDS 2015.

"Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."

Như vậy, thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ) trong trường hợp bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) chết trước hoặc chết cùng ông, bà (hoặc cụ).

2. Các trường hợp thừa kế thế vị.

Các trường hợp thừa kế thế vị bao gồm;

- Cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của ông bà.

- Chắt thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của cụ.

Thừa kế thế vị chỉ phát sinh từ thừa kế theo pháp luật mà không phát sinh từ thừa kế theo di chúc. Nếu cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà hoặc cụ thì phần di chúc định đoạt tài sản cho cha mẹ (nếu có di chúc) sẽ vô hiệu. Phần di sản đó được chia theo pháp luật và lúc này cháu (chắt) mới được hưởng thừa kế thế vị.

Quan hệ thừa kế thế vị không phải là thừa kế theo trình tự hàng nhưng hàng thừa kế là căn cứ để xác định quan hệ thừa kế thế vị. Thừa kế thế vị là một chế định của pháp luật nhằm bảo về quyền lợi cho những người thân thuộc nhất của người để lại di sản, tránh trường hợp di sản của ông mà mà cháu không được hưởng lại để cho người khác hưởng.

Cũng như những người thừa kế khác, người thừa kế thế vị không được hưởng di sản nếu họ từ chối nhận di sản hoặc bị truất quyền hưởng di sản theo quy định.

3. Điều kiện hưởng thừa kế thế vị.

Thừa kế thế vị là trường hợp thừa kế đặc biệt. Do vậy, những người thừa kế thế vị cũng rất đặc biệt. Khi xét về hàng thừa kế thì họ không được hưởng di sản nhưng họ được nhận thay cho bố (hoặc mẹ) của họ (là những người đáng ra được hưởng thừa kế nếu còn sống). Theo quy định thì thừa kế thế vị chỉ đặt ra khi thỏa mãn những điều kiện sau:

- Những người thừa kế phải có quan hệ thừa kế thứ hai trong hàng thừa kế thứ nhất (quan hệ thừa kế giữa cha mẹ, con), trong đó người thế vị phải là người ở đời sau. Nghĩa là chỉ có con được thế vị cha mẹ mà không bao giờ có trường hợp cha, mẹ thế vị cho con. 

- Thừa kế thế vị chỉ được đặt ra khi người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản.

- Cháu, chắt của người để lại di sản phải còn sống hoặc chưa ra đời nhưng đã thành thai vào thời điểm ông, bà, cụ chết mới được áp dụng chế định thừa kế thế vị: Thừa kế là việc dịch chuyển tài sản của những người đã chết sang cho những người còn sống. Do vậy, điều kiện để những người được hưởng thừa kế thế vị cũng là họ phải còn sống hoặc đã thành thai vào thời điểm mở thừa kế. Nếu thai nhi sinh ra và còn sống thì được hưởng phần di sản đó, nếu chết trước khi sinh hoặc ngay sau khi sinh thì phần di sản được chia cho những người thừa kế khác.

4. Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế thế vị.

* Hồ sơ khai nhận di sản của người thừa kế:

+ Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu hoặc hộ chiếu của từng người;

+ Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân (nếu có);

+ Hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền (nếu xác lập giao dịch thông qua người đại diện);

+ Giấy khai sinh, Giấy xác nhận con nuôi; bản án, sơ yếu lý lịch, các giấy tờ khác chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người hưởng di sản thừa kế;

+ Giấy chứng tử của bố hoặc mẹ;

* Hồ sơ pháp lý của người đề lại di sản thừa kế:

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản (hoặc) giấy báo tử (hoặc) bản án tuyên bố đã chết;

+ Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân;

........;

* Các giấy tờ liên quan đến tài sản thừa kế:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, do UBND cấp, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất, các loại giấy tờ khác về nhà ở; Giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa....;

+ Giấy tờ về tài sản khác (Sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, giấy xác nhận của ngân hàng mở tài khoản, giấy đăng ký xe ô tô, cổ phiếu…).

Nếu bạn đang cần "Luật sư tư vấn pháp luật về thừa kế" hoặc "Luật sư giải quyết các tranh chấp về thừa kế" thì hãy liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: Văn Phòng Luật Sư Gia Đình - số 5/1 đường Nguyễn Du, Khu phố 4, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hoặc qua số điện thoại: 0971 645 789 (Zalo) - 0911 629 679.

Trân trọng./.

Dịch vụ khác